image banner

Kiểm soát sinh vật ngoại lai gây hại: Trách nhiệm chung!

0:00 / 0:00
Ngọc Hoa - Đọc báo
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 35

Sinh vật ngoại lai được di nhập vào nước ta bằng nhiều con đường để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, như làm sinh vật cảnh, hoa cảnh, hay nhằm mục đích kinh tế (như nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ (Trachemys scripta subsp. elegans)…). Cũng có loài không ai nhập nhưng tự theo con đường nước, gió cuốn vào nước ta (như cây mai dương).

           Sinh vật ngoại lai xâm hại là một trong các mối đe dọa nghiêm trong đối với các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học bản địa. Sinh vật ngoại lai xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu. Chúng bao gồm các loài virus, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú.

           Theo Luật Đa dạng sinh học (2008), loài ngoại lai là loài sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng. Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

Hình ảnh: Bèo Lục Bình (Bèo Nhật Bản) là loài ngoại lai xâm hại được du nhập vào Việt Nam từ năm 1902
làm chết cá và các loài thủy sinh khác (Ảnh: Trang thông tin điện tử Tạp Chí Môi trưởng – Tổng Cục Môi trường)

           Ở Việt Nam, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã xuất hiện, phát triển và xâm lấn, ảnh hướng tới đa dạng sinh học và gây tổn thất kinh tế, điển hình là loài ốc bưu vàng (Pomacea canaliculata), Bèo Lục bình (Eichhornia crassipes) và loài trinh nữ thân gỗ (mai dương (Mimosa pigra)).Sinh vật ngoại lai được di nhập vào nước ta bằng nhiều con đường để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, như làm sinh vật cảnh, hoa cảnh, hay nhằm mục đích kinh tế (như nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ (Trachemys scripta subsp. elegans)…). Cũng có loài không ai nhập nhưng tự theo con đường nước, gió cuốn vào nước ta (như cây mai dương).

           Đặc điểm chung của các sinh vật ngoại lai xâm hại là sinh sản rất nhanh, thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường; chúng có thể gây hại đến các loài bản địa thông qua cạnh tranh nguồn thức ăn (động vật); ngăn cản khả năng gieo giống, tái sinh tự nhiên của các loài bản địa (thực vật) do khả năng phát triển nhanh, mật độ dày đặc; cạnh tranh tiêu diệt dần loài bản địa, làm suy thoái hoặc thay đổi tiến tới tiêu diệt luôn cả loài bản địa; lai giống với các loài bản địa, từ đó làm suy giảm nguồn gen, phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống; truyền bệnh và ký sinh trùng.

           Hậu quả của quá trình này không dễ khắc phục, không chỉ gây tổn thất về các giá trị đa dạng sinh học (mất các loại, các nguồn gen và hệ sinh thái bản địa) mà còn gây tác động tiêu cực, làm tổn thất không nhỏ về kinh tế, sức khỏe và làm giảm năng suất nông nghiệp; sinh vật ngoại lai xâm hại có thể góp phần làm suy thoái đất thông qua việc gây xói mòn, làm suy giảm ngồn nước trong đất…

Hình ảnh: Cộng đồng tích cực diệt trừ cây mai dương(Ảnh: Trang thông tin điển tử Tạp Chí Môi trưởng – Tổng Cục Môi trường)

            Do đó, công tác ngăn chặn sinh vật ngoại lai xâm hại là một trong những nhiệm vụ đang được quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, biện pháp phòng ngừa được ưu tiên hàng đầu vì một khi sinh vật ngoại lai xâm hại đã thích nghi và phát triển thì chi phí để tiêu diệt chúng là rất lớn và hầu như rất khó tiêu diệt hoàn toàn.

           Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quy định việc quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại như: Luật Bảo vệ môi trường 2005; Luật Đa dạng sinh học 2008; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013; Luật Thủy Sản 2004; Luật Bảo vệ phát triển rừng 2004… các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành Luật như: Thông tư 53/2009/TT-BNNPTN ngày 21/8/2009 Quy định quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai tại Việt Nam; Thông tư 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 Quy định tiêu chí xác định loài xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại; Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản…song song đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012; Quyết định số 200/QĐ-BTNMT ngày 29/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam giai đoạn 2015-2020.

           Trách nhiệm trong quản lý sinh vật ngoại lai không chỉ là của cơ quan Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Các tổ chức, cá nhân ngoài trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý các loài ngoại lai, loài ngoại lai xâm hại, còn cần phải nâng cao nhận thức và ý thức trong kiểm soát, diệt trừ sinh vật ngoại lai xâm hại, khi phát hiện loài sinh vật ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay tới cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp xử lý và kiểm soát kịp thời đồng thời không được nuôi trồng tập trung các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện tại Việt Nam như: cá chim trắng toàn thân (Piaractus brachypomus), cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus), cá trê phi (Clarias gariepinus),cá hoàng đế (Cichla ocellaris), cá trôi Nam Mỹ (Prochilodus lineatus), tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii), ếch ương beo (Rana catesbeiana), dê hircus (Capra hircus), cỏ nước lợ (Paspalum vaginatum), cây cứt lợn (Ageratum conyzoides)...

Thu Hà – Tổng hợp