image banner

Hoạt động gây nuôi động vật hoang dã thông thường trên địa bàn tỉnh Bình Dương

0:00 / 0:00
Ngọc Hoa - Đọc báo
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 81

Qua thống kê, tính đến ngày 31/3/2018 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 85 cơ sở gây nuôi 26 loài, 2.127 con động vật rừng thông thường; trong đó nhiều nhất là loài nhím (Hystrix brachyura) 1.296 con, kế đến là Hươu sao (Cervus nippon), 245 con, ít nhất là loài Mển (Muntiacus muntjak) 01 con. So với cùng kỳ năm trước giảm 26 cơ sở, giảm 3.818 con

         Vào đầu tháng 3/2018 Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức đi đến UBND các xã, phường, thị trấn để rà soát, thống kê số lượng các loài động vật hoang dã thông thường đang nuôi nhốt trên địa bàn để tổng hợp báo cáo tình hình khai thác, nuôi động vật rừng thông thường về Tổng cục Lâm nghiệp theo quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Cơ sở nuôi Hươu sao (Cervus nippon) của ông Nguyễn Trọng Hùng, phường Thời Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương  (Ảnh: Trần Ngọc Mỹ)

         Qua thống kê,  tính đến ngày 31/3/2018 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 85 cơ sở gây nuôi 26 loài, 2.127 con động vật rừng thông thường; trong đó nhiều nhất là loài nhím (Hystrix brachyura) 1.296 con, kế đến là Hươu sao (Cervus nippon), 245 con, ít nhất là loài Mển (Muntiacus muntjak) 01 con. So với cùng kỳ năm trước giảm 26 cơ sở, giảm 3.818 con. Trong số 85 cơ sở, có 02 cơ sở là trại nuôi thí điểm Công ty TNHH Vườn Bách Thú Đại Nam và DNTN Thanh Cảnh nuôi 172 con động vật rừng thông thường do Chi cục Kiểm lâm quản lý và cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi; còn lại 83 cơ sở là của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký quản lý tại địa phương cấp xã. Phần  lớn các trại nuôi tập trung chủ yếu ở địa bàn hai huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.

         Thông qua đợt rà soát, thống kê lần này, Chi cục Kiểm lâm đã phổ biến đến UBND các xã, phường, thị trấn Cẩm nang “Hướng dẫn một số nội dung về công tác quản lý nhà nước các trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã” theo công văn số 104/CTVN-TTĐT ngày 09/5/2017 của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam ngày 09/5/2017 để làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý động vật hoang dã tại địa phương.


Nhím (Hystrix brachyura) nuôi sinh sản tại cơ sở nuôi của ông Trần Thanh Hòa, phường Vĩnh Phú, Thị xã Thuận An, Bình Dương  (Ảnh: Trần Ngọc Mỹ)

         Từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương không có tổ chức, cá nhân nào xin cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường.

         Nhìn chung, thời gian qua hoạt động gây nuôi động vật hoang dã thông thường ở Bình Dương có chiều hướng suy giảm. Nguyên nhân là do việc gây nuôi động vật hoang dã thông thường ở Bình Dương còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; không có tổ chức, cá nhân nào đầu tư nuôi quy mô lớn nên chưa phải là ngành sản xuất hàng hóa để có thể trở thành một ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn; việc lựa chọn loài chăn nuôi thiếu định hướng, đa số nuôi theo phong trào, dẫn đến gặp nhiều rủi ro đã làm cho hình thức gây nuôi này thiếu ổn định và bền vững./.

Trần Ngọc Mỹ Trưởng phòng Quản lý bảo vệ và phát triển rừng