Những năm gần đây, sự thay đổi nhận thức và tham gia tích cực của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam.
Có thể thấy những năm gần đây, sự thay đổi nhận thức và tham gia tích cực của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) công bố năm 2015, nhu cầu tiêu thụ mật gấu ở Việt Nam năm 2014 đã giảm trên 60% so với 5 năm trước đó, cho thấy cộng đồng đang dần từ bỏ thói quen sử dụng và quan niệm cố hủ về tác dụng của mật gấu. Chính sự gia tăng áp lực từ cộng đồng cùng các cơ quan quản lý Nhà nước đã khiến hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật gấu dần thoái trào và nhiều chủ nuôi đã quyết định từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu.
Bên cạnh đó, không chỉ chủ động tìm hiểu các thông tin về thực trạng các loài ĐVHD ở Việt Nam, cam kết không sử dụng ĐVHD và các sản phẩm từ chúng, người dân cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các nỗ lực đấu tranh với tội phạm về ĐVHD.
Thời gian gần đây, nhiều hình ảnh giết hại các loài ĐVHD quý hiếm rồi đăng trên mạng xã hội để khoe chiến tích gây phẫn nộ cộng đồng mạng. Cụ thể, tháng 11 năm 2018 vừa qua, một nhóm 5 đối tượng Hà Tĩnh đã trực tiếp quay lại cảnh giết ĐVHD nghi là khỉ hoặc voọc chà vá chân nâu trên Facebook. Chỉ ít ngày sau, hình ảnh một giám đốc doanh nghiệp giết thịt hai con chim hoang dã nghi Cao cát bụng trắng, thuộc họ Hồng hoàng rồi đem khoe lên mạng xã hội Facebook lại tiếp tục được lan truyền. Đây chỉ là hai trong số hàng loạt vụ việc săn bắt, giết hại ĐVHD quý hiếm được đăng tải trên mạng xã hội khiến dư luận phải phẫn nộ dù đã nhiều lần lên án.
Sau khi đăng tải, những hành vi sát hại dã man các cá thể ĐVHD của những nhóm người trên đã bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ. Nhiều người đã để lại các bình luận chỉ trích, thậm chí lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc để điều tra và xử lý các đối tượng. Điều này cho thấy cộng đồng đang ngày càng có nhận thức đúng đắn cũng như thái độ quyết liệt trước những hành động gây tổn hại đến các loài ĐVHD. Chính cộng đồng lúc này sẽ góp tiếng nói lớn nhất trong việc lên án các hành vi phản cảm với các loài ĐVHD.
Đặc biệt, theo ghi nhận của Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV, chỉ riêng trong tháng 11 năm 2018, 180 cá thể ĐVHD đã được giải cứu, 106 đường dẫn chứa vi phạm liên quan đến ĐVHD trên Internet được gỡ bỏ phần lớn nhờ tin báo từ người dân thông qua đường dây nóng bảo vệ ĐVHD 1800-1522. Tiêu biểu, giữa tháng 11 vừa qua, nhờ tin báo của một bạn tình nguyện viên của ENV, 174 cá thể rùa biển đã được giải cứu và thả về tự nhiên sau khi bị nuôi nhốt ở một ngôi chùa ở Sóc Trăng.
Năm 2018, theo tin báo của ENV Chi cục Kiểm lâm Bình Dương phối hợp với UBND phường Phú Cường tiến hành kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 01 cá thể Rùa răng (Càng đước) tên khoa học Heiremys annandalii do ông Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1985, ngụ tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bày bán tại đường Bạch Đằng, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Thanh tổng số tiền là 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) và tịch thu cá thể rùa răng nói trên.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương còn tiếp nhận 7 trường hợp do người dân giao nộp động vật hoang dã cho nhà nước. Trong đó, đã tổ chức thả về tự nhiên 01 cá thể Đồi mồi và 04 cá thể Hổ hành; hiện đang gửi Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR) cứu hộ 05 cá thể khỉ, và cá thể rùa răng nói trên; khi nào các cá thể động vật hoang dã này đã được thuần dưỡng sẽ tổ chức thả về tự nhiên.
(Nguồn: do ENV và Phòng TTPC Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cung cấp)
Trần Ngọc Mỹ tổng hợp
Một số hình ảnh tiếp nhận động vật hoang dã

Hình ảnh: Cá thể rùa răng tịch thu của ông Nguyễn Văn Thanh bày bán
tại đường Bạch Đằng, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Hình ảnh: Tiếp nhận cá thể Đồi mồi tại nhà ông Nguyễn Bình Minh

Hình ảnh: Cá thể Khỉ đuôi dài do người dân tự nguyện giao nộp