Sáng ngày 18/11/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì Buổi tổng kết Phương án di dời đàn khỉ tại chùa Châu Thới.
Sáng ngày 18/11/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì Buổi tổng kết Phương án di dời đàn khỉ tại chùa Châu Thới, phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tham dự Hội nghị có Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đại diện lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường, Ban Tôn giáo tỉnh, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thuỷ sản, UBND thành phố Dĩ An, UBND phường Bình An, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (Tổ chức WAR), lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm và cán bộ công chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Hình: Toàn cảnh Buổi Tổng kết
Báo cáo tại Buổi Tổng kết, ông Trần Văn Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, Chùa núi Châu Thới có đàn khỉ được phóng sinh và gia tăng số lượng theo thời gian, qua quá trình sinh sản tự nhiên, trong thời gian qua, khi người dân đến viếng cảnh chùa xảy ra tình trạng bị khỉ tấn công dẫn đến tình trạng lo âu của người dân khi đến Chùa và người dân sinh sống khu vực xung quanh Chùa. Với mục tiêu tổ chức di dời đàn khỉ khu vực Chùa Châu Thới thả về tự nhiên, đảm bảo thực hiện đúng theo Công ước CITES, đảm bảo đời sống người dân quanh khu vực núi Châu Thới và khách hành hương, thăm viếng chùa không bị ảnh hưởng bởi đàn khỉ; tạo điều kiện cho đàn khỉ tiếp tục sinh trưởng, phát triển trong môi trường tự nhiên; Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng có liên quan để triển khai thực hiện Phương án ngay khi có Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Quá trình thực hiện sử dụng nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn như: sử dụng thức ăn để dẫn dụ đồng thời tiến hành các biện pháp thổi thuốc mê, đặt bẫy, giăng lưới…
Hình ảnh: Ông Trần Văn Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm
báo cáo kết quả thực hiện Phương Án
Kết quả, sau 2 năm triển khai, thực hiện Phương án, Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành bẫy, bắt được 20 cá thể khỉ, gồm 11 cá thể khỉ đuôi dài, 09 cá thể khỉ đuôi lợn. Trong đó, có 18 cá thể khỉ khoẻ mạnh và được di dời thả về môi trường tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai, có 02 cá thể khỉ bị chết trong quá trình bẫy, bắt được đưa đi tiêu huỷ.
Hình: ông Lê Cảnh Dần Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
phát biểu tại Buổi Tổng kết
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên dự họp và Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNTđã phát biểu đánh giá cao kết quả thực hiện Phương án của Chi cục Kiểm lâm và cũng đề nghị Chi cục đánh giá nêu bật thêm hiệu quả của Phương án. Cụ thể, sau khi di dời tình trạng khỉ tấn công người còn xảy ra hay không so với trước đó; đồng thời rút kinh nghiệm trong các đợt di dời vừa qua để làm tốt cho các đợt sau năm tiếp theo.
Đại diện Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WAR cũng đánh giá cao đối với những cá thể khỉ được di dời đã hoà nhập được môi trường tự nhiên.
Về thực hiện Phương án di dời đàn khỉ núi Châu Thới với số lượng nhất định nhưng việc triển khai, thực hiện Phương án tạo tiền đề để sau này khi thực hiện các phương án, dự án có nội dung tương tự. Phương án thực hiện thời gian từ năm 2020-2021 đến nay là kết thúc, đặc biệt mặc dù trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến việc thực hiện Phương án, nhưng Chi cục Kiểm lâm đã nổ lực để thực hiện Phương án, tại Hội nghị Chi cục đề xuất đưa công tác bắt và di dời đàn khỉ được chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của Chi cục nhằm tiếp tục bắt và di dời đàn khỉ thả về môi trường tự nhiên, phù hợp với sinh cảnh của loài; đồng thời Chi cục cũng kiến nghị đến UBND địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân địa phương, khách hành hương viếng chùa không phóng sinh thêm khỉ tại khu vực núi Châu Thới làm gia tăng số lượng đàn khỉ.
Hiệu quả của việc di dời đàn khỉ thả về tự nhiên góp phần giữ được sự yên lành cho đời sống người dân xung quanh núi và người buôn bán quanh chùa Châu Thới; đảm bảo sự an toàn cho khách hành hương, tham quan, thăm viếng chùa; trả lại sự yên bình chốn tôn nghiêm và tạo mỹ quan cho chùa Châu Thới. Từ đó, tạo điều kiện để phát triển du lịch cảnh quan chùa và du lịch tâm linh, góp phần giải quyết việc làm cho người dân xung quanh chùa, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Đồng thời, đảm bảo thực hiện đúng theo công ước CITES của Việt Nam./.
Nguyễn Thị Thu Hà