Ngày 17 tháng 6 hàng năm đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn là ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán (World Day to Combat Desertification and Drought)
“Trong mỗi bước đi cùng với thiên nhiên, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì ta tìm kiếm” - John Muir
Thiên nhiên trao cho con người sự sống, là nền tảng để con người xây dựng một thế giới phát triển bền vững. Do đó, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt cho những hành động làm tổn thương mẹ thiên nhiên mà mình đã gây ra. Trong những thập kỷ gần đây, diễn biến ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu đã cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên trái đất. Điều này đã gây ra rất nhiều tác động tiêu cực đến đời sống của con người.
Hiểu được điều đó, ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán (World Day to Combat Desertification and Drought) đã ra đời, và được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn là ngày 17 tháng 6 hàng năm. Ngày này được cử hành nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng xung quanh các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa và khuyến khích thực hiện Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD) tại các quốc gia bị tác động nghiêm trọng bởi hạn hán và sa mạc hóa. Kể từ lần đầu tiên vào năm 1995 tới nay, ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán đã được tổ chức với nhiều khẩu hiệu khác nhau; và khẩu hiệu của năm nay là “Restoration. Land. Recovery”, nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc biến đất bạc màu thành đất màu mỡ.
Như Franklin D.Roosevelt đã từng nói “Quốc gia nào không biết bảo vệ đất là đang tự tay giết chính mình”, cộng đồng quốc tế từ lâu đã nhận thấy hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề rất rộng, liên quan tới cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2021, với khẩu hiệu “Restoration. Land. Recovery” ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán đã góp phần khẳng định khả năng phục hồi kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tăng an ninh lương thực của việc khôi phục đất. Không chỉ vậy, hành động này còn giúp khôi phục đa dạng sinh học, làm giảm sự tác động của biến đổi khí hậu và củng cố sự phục hồi xanh từ đại dịch COVID - 19.
Do đó, ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán năm nay đã kêu gọi tất cả người dân trên thế giới xem đất là một tài nguyên hữu hạn và quý giá, từ đó cùng nhau chung tay phục hồi đất bạc màu trong một Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc vì một tương lai phát triển bền vững./.
CVT Võ Minh Nhã