Chi cục Kiểm lâm Bình Dương được thành lập từ năm 1997, tiền thân từ Chi cục Kiểm lâm Sông Bé và trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Từ năm 2007 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương chính thức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 10.687,61 ha, chiếm khoảng 3,97% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó rừng phòng hộ chiếm 34,17%.
Hình ảnh: Đai rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng (Hình: Trần Văn Nguyên)
Chi cục Kiểm lâm Bình Dương được thành lập từ năm 1997, tiền thân từ Chi cục Kiểm lâm Sông Bé và trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Từ năm 2007 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương chính thức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương. Chi cục Kiểm lâm Bình Dương có 01 Chi cục trưởng, 02 Phó Chi cục trưởng, 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 03 Hạt Kiểm Lâm, 01 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR.
Để bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương luôn xem công tác tuyên truyền bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình hoạt động. Bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, công tác tuyên truyền đã thực sự góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân các địa phương trong tỉnh. Từ năm 1997 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức thực hiện hàng trăm buổi phát thanh, nhiều phóng sự truyền hình, xây dựng 4.000 áp phích và các biển báo bảo vệ rừng. Tổ chức nhiều lớp tập huấn về các nội dung bảo vệ rừng, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, tác dụng to lớn của rừng đã từng bước được nâng cao, trách nhiệm bảo vệ rừng của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân đã có chuyển biến rõ rệt, số vụ vi phạm tại địa phương đã giảm đáng kể; công tác giao khoán bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Hình ảnh: Triển khai công tác tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng
tại rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng (Ảnh: Trần Văn Nguyên)
Để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng, Kiểm lâm Bình Dương thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp chính quyền cơ sở và các chủ rừng triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát khoanh vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện xây dựng hệ thống đường băng cản lửa phòng cháy rừng tại các khu rừng dễ cháy, cấp phát nhiều dụng cụ chữa cháy rừng và nhiều dụng cụ, phương tiện khác phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, tổ chức thường trực 24/24 giờ đối với những ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng cao. Do làm tốt công tác phòng cháy, nên vài năm lại đây số vụ cháy rừng gần như không xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh: Đồng chí Trần Văn Nam - Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương
trồng cây tại Lễ phát động “Tết trồng cây” 19/5/2012 (Hình: Thu Hà)
Về phát triển rừng, hàng năm Chi cục Kiểm lâm Bình Dương phát động phong trào trồng cây nhớ ơn Bác và trồng cây phân tán. Từ năm 1997 đến nay, đã cung cấp số lượng là 4.036.354 cây tương ứng với 4.958 ha; qua trồng cây, tỷ lệ cây sống bình quân là 85,64 %. Thông qua công tác phát động ngoài nguồn vốn ngân sách, người dân đã tự bỏ vốn ra để đầu tư trồng rừng (tự trồng, tự hưởng) đã trồng được 871.206 cây lâm nghiệp các loại tương đương 289,4 ha rừng trồng tập trung. Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm được tăng dần hằng năm, từ 37% năm 1997 đến nay đạt 57,2%.
Hình ảnh: Vườn cây nhớ ơn Bác Hồ năm 2006
tại Tiểu khu 26, Khu phố 6, TT Uyên Hưng, Thị xã Tân Uyên, Bình Dương (Hình: Thu Hà)
Về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngày 28/6/2017 Cục Ngoại vụ đã chấp thuận cho tổ chức Wildlife At Risk (WAR) được phép hoạt động tại Bình Dương để thực hiện Chương trình nhân nuôi sinh sản nghiên cứu và bảo tồn các loài động vật hoang dã” trong giai đoạn 2017-2021 tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Thời gian qua, tổ chức WAR đã hỗ trợ Kiểm lâm Bình Dương rất nhiều trong việc cứu hộ và tái thả về tự nhiên một số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm do người dân giao nộp và xử lý vi phạm.
Từ năm 1997 đến nay đã xử lý 2.698 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát khởi tố 09 vụ án hình sự. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước 26 tỷ đồng.
Bình Dương là trung tâm chế biến gỗ của cả nước, tập trung trên 800 cơ sở, công ty, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản. Nguồn nguyên liệu chế biến phần lớn là gỗ nhập khẩu từ Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand…Do đó, nhu cầu xác nhận nguồn gốc lâm sản hợp pháp là khá cao. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương không ngừng cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quá trình kiểm tra, xác nhận nguồn gốc gỗ được thực hiện nhanh, gọn đảm bảo đúng quy trình, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của tỉnh Bình Dương tăng dần theo các năm, cụ thể: năm 2013 là 1.956.628.000 USD, năm 2014 2.250.138.000 USD, năm 2015 3.371.062.000 USD, năm 2016 3.512.269.000 USD, năm 2017 4.198.695 USD, Quý I năm 2018 là 682.146 USD.
Công tác xây dựng lực lượng Kiểm lâm trong sạch vững mạnh, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển, đào tạo, đặc biệt là xây dựng các kế hoạch giám sát và đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm, luôn được cấp ủy và lãnh đạo Chi cục chú trọng. Đặc biệt trong năm 2017, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 5451/KH-UBND ngày 01/12/2017 về thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kế hoạch nhằm tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp của các cấp chính quyền địa phương; tăng cường quản lý, giám sát đối với các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với các cơ sở vi phạm các quy định nhà nước.
Trần Văn Nguyên – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương