Mối thường hại nặng cây con trong mùa khô, ở miền Bắc, từ tháng 5 đến tháng 9 thường có mưa rào, sau mưa đất đai ẩm ướt, tạo điều kiện cho mối sinh sôi. Còn miền Nam, mùa khô rơi vào giữa tháng 11 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 4 năm sau.
Mối là nhóm côn trùng ưa nhiệt, chúng chỉ có ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới. Mối được chia làm 3 họ: Kalotermitidae (mối gỗ khô), Rhinotermitidae (mối gỗ ẩm) và Termitidae (mối đất). Việt Nam hiện đã phát hiện 106 loài mối. Trong đó có một số loài gây hại thường gặp: Coptotermes, Odototermes, Macrotermes, Microtermes, Hypotermes, Cryptotermes. Gây hại nghiêm trọng nhất cây trồng, cây rừng chủ yếu các loài mối thuộc giống coptotermes thuộc họ Rhinotermitidae (còn gọi là mối gỗ ẩm).
Hình ảnh: mối làm tổ trên thân cây (Ảnh: Huyền Trang)
1. Một số đặc điểm hình thái và sinh học của mối gỗ ẩm:
Hình ảnh: Mối gỗ ẩm (Nguồn: vi.wikipedia.org)
Vòng đời của một con mối lớn lên và phát triển bằng hình thái biến thái hoàn toàn, bắt nguồn từ trứng: Trứng mối xuất phát điểm từ cặp mối đầu tiên của tổ hoặc từ lứa thứ 2 trong đàn -> Trứng mối sau 1 thời gian sẽ thành ấu trùng -> Sau vài lần lột xác, ấu trùng sẽ nở ra nhộng con -> Dưới sự chăm sóc của mối thợ, nhộng con sẽ phát triển hoàn toàn thành mối trưởng thành -> Lúc này mối trưởng thành sẽ có thể phát triển thành 1 trong 3 loại mối chúa, mối thợ, mối lính.
Hình ảnh: Vòng đời loài mối (Nguồn: vi.wikipedia.org)
2. Tập quán sinh sống và cách gây hại:
Thức ăn chính của mối là chất xơ (cellulose) có trong các sản phẩm thực vật. Vì vậy đối tượng bị mối gây hại rất đa dạng.
+ Thực vật sống: Nhiều loài mối lấy thức ăn từ cây sống, nhất là các cây còn non như bạch đàn, dầu con rái, sao đen, cao su… và các cây trồng khác. Mối cắn phá hại thân, gốc và rễ làm cây chết.
+ Thực vật khô: Ruột của loài mối nhà tiêu hoá được chất xơ nên ngoài gỗ, tre nứa tất cả các sản phẩm được chế biến từ thực vật như giấy, vải,…
Mối thường hại nặng cây con trong mùa khô, ở miền Bắc, từ tháng 5 đến tháng 9 thường có mưa rào, sau mưa đất đai ẩm ướt, tạo điều kiện cho mối sinh sôi. Còn miền Nam, mùa khô rơi vào giữa tháng 11 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 4 năm sau. Trong vườn ươm, mối chủ yếu tấn công hạt hoặc hom giống, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sinh trưởng của cây con, giảm chất lượng của cây giống. Đối với các cây trồng lâm nghiệp (bạch đàn, dầu con rái, sao đen, cao su…) mối ăn tạo nên những đường hầm xung quanh thân, làm mất vỏ cây; phá hại cắn rễ và gốc thân ở dưới đất làm cây héo úa, yếu và chết dần.
3. Biện pháp phòng trừ:
Bài viết này xin giới thiệu cách diệt các loài mối phá hại rễ, thân cây:
- Sử dụng chế phẩm Metavina 90DP để diệt mối Coptotermes
+ Cơ sở khoa học: Nấm Metarhizium trong chế phẩm Metavina có khả năng kí sinh trong cơ thể mối. Chúng vừa hút dinh dưỡng vừa tiết chất độc làm chết mối. Đàn mối đi kiếm ăn bị phun chế phẩm Metavina 90DP (đã pha chế theo công thức) sẽ mang về tổ để lây nhiễm, gây bệnh lan truyền trong quần tộc, làm chết cả tổ mối.
+ Phun chế phẩm Metavina 90DP đã pha chế theo công thức vào các cá thể mối.
- Sử dụng bả sinh hoá BDM - 04 diệt mối Coptotermes
+ Cơ sở khoa học: Bả diệt mối là một hỗn hợp gồm thức ăn mối ưa thích trộn với chất hấp dẫn mối và chất độc gây chết mối chậm. Mối thợ ăn bả sẽ mớm cho các cá thể khác trong tổ khiến cho cả quần tộc bị nhiễm độc. Tổ mối bị nhiễm độc sẽ bị chết sau khoảng 20 - 30 ngày kể từ khi đặt bả.
Cần phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm các tổ mối; không lấp rác, cỏ tươi xuống hố trồng; Phòng trừ sâu bệnh hại triệt để trên thân cây; vệ sinh đất trước khi trồng, dọn sạch cành, lá khô, vì cành, lá khô là thức ăn của mối, nhử mối đến; phá bỏ tổ mối khi làm đất trồng, phá bỏ các đường đi của mối trên cây, trên trụ gỗ; chú trọng các biện pháp phòng trừ sinh học và khi dùng thuốc hóa học phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người và vật nuôi./.
Tổng hợp: Nguyễn Huyền Trang-Phòng Sử dụng và Phát triển rừng