Vào ngày 20/7/2023, Hạt Kiểm lâm Tân Uyên- Phú Giáo trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng các cơ quan đơn vị, chức năng có liên quan tiếp nhận 01 cá thể Tê tê Java (Manis javanica)
Vào ngày 20/7/2023, Hạt Kiểm lâm Tân Uyên- Phú Giáo trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng các cơ quan đơn vị, chức năng có liên quan tiếp nhận 01 cá thể Tê tê Java (Manis javanica) có trọng lượng 09 kg, thuộc loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nhóm IB do ông Nguyễn Hữu Bình, địa chỉ: ấp Bố Lá, xã Phước Hoà, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương tự nguyện giao nộp.
Hình ảnh: Tiếp nhận cá thể Tê Tê Java
Ông Nguyễn Hữu Bình cho biết vào khoảng 17 giờ 50 phút ngày 19/7/2023, ông và một số anh em đi làm bảo vệ tại Công ty thuộc ấp Đồng Chinh, xã Phước Hoà, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương thì phát hiện 01 cá thể Tê Tê trong lùm cây nên cùng nhau vây bắt lại. Qua tìm hiểu ông được biết Tê Tê là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, vậy nên ông đã trình báo Công an xã Phước Hoà và Hạt Kiểm lâm Tân Uyên- Phú Giáo giao nộp cá thể Tê Tê để thả về rừng.
Tê tê Java có tên khoa học là (Manis javanica), là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ.
Hình ảnh: Tiếp nhận cá thể Tê Tê Java
Hiện tại, cá thể Tê tê Java đã được đưa về Hạt Kiểm lâm Tân Uyên- Phú Giáo và tạm gửi cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng thuộc Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã WAR, địa chỉ: Lô 303, ấp Lê Danh Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng để cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng trong khi chờ lập thủ tục xác lập sở hữu toàn dân và phê duyệt phương án xử lý theo quy định.
Việc tự nguyện giao nộp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của ông Nguyễn Hữu Bình là hành động rất đáng được hoan nghênh vì đã đóng góp một phần rất quan trọng vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Tác giả bài viết: Trần Thanh Tú
Nguồn tin: Chi cục Kiểm lâm Bình Dương